459.324 tin đăng 435.944 thành viên Tham gia đăng tin miễn phí

Thương mại điện tử: Tiền đề quan trọng của nền kinh tế số

Đã xem: 1206

Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực mấu chốt, tiền đề quan trọng của nền kinh tế số mà Việt Nam đang phát triển.



Thương Mại Điện Tử tăng trưởng nhanh

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT &KTS) - Bộ Công Thương - Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 25-30% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

“Theo Google & Temasek, nền KTS Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2019 có tốc độ tăng trưởng bứt phá, đứng thứ hai (sau Indonesia) so với các quốc gia khác trong khu vực, nền KTS đạt 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến đạt 35 tỷ USD năm 2025” - ông Đặng Hoàng Hải cho biết thêm.

Thương mại điện tử là lĩnh vực được ưu tiên

Thương mại điện tử là lĩnh vực được ưu tiên

Dẫn báo cáo mới nhất của Google và Temasek cho thấy, tổng giá trị giao dịch (GMV) của nền kinh tế internet Đông Nam Á đạt 72 tỷ USD trong năm 2018, tăng 37% so với năm 2017. Trong đó, giá trị giao dịch của thị trường Việt Nam đạt 9 tỷ USD và là quốc gia có tỷ lệ phần trăm nền kinh tế internet trên tổng thu nhập quốc dân (GDP) cao nhất khu vực Đông Nam Á với mức 4% trên tổng GDP. Con số này tại các quốc gia khác trong khu vực (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) lần lượt là: 2,9%, 2,7%, 1,6%, 3,2%, 2,7%.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cũng thẳng thắn thừa nhận, thời điểm hiện tại, các hạ tầng cho KTS, như: Hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng phân phối điện tử, hạ tầng nhân lực TMĐT và công nghệ thông tin, hạ tầng an toàn an ninh thông tin còn bộc lộ nhiều hạn chế. “Không những thế, một bộ phận lớn các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, bao gồm cả DN TMĐT còn chưa ý thức được hoặc chưa quan tâm đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại”- ông Đặng Hoàng Hải chỉ ra.

Doanh nghiệp vào cuộc cùng Thương Mại Điện Tử

Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2020 xác định, TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền KTS, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh. Theo Kế hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMĐT của mô hình TMĐT DN - người tiêu dùng (B2C), tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến, tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ xác định TMĐT là nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu (XK). Trong đó, DN là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng TMĐT, còn nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng tạo môi trường cho TMĐT phát triển. Việc hỗ trợ, tạo động lực phát triển cho TMĐT, KTS được thực hiện theo mô hình lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực, địa phương phát triển TMĐT để đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Đánh giá cao tính kịp thời của việc ban hành Kế hoạch, PGS. TS. Phạm Tất Thắng - chuyên gia cao cấp thương mại - khẳng định, TMĐT là xu thế của thị trường hiện nay. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ vai trò, tiện ích nổi trội của TMĐT.

Theo PGS. TS. Phạm Tất Thắng, nhận thức được tầm quan trọng của KTS, TMĐT, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách kịp thời để phát triển TMĐT. Hơn nữa, ở nước ta cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt mục tiêu doanh số TMĐT 35 tỷ USD vào năm 2025. Đó là số người sử dụng điện thoại thông minh cao; số lượng người tiêu dùng trẻ lớn; hạ tầng KTS đang dần được cải thiện cơ bản.

“Với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của DN như hiện nay, chắc chắc có sự phát triển nhanh về TMĐT và mục tiêu 35 tỷ USD sẽ đạt được”, PGS. TS. Phạm Tất Thắng - nhận định.

Tuy vậy, để đạt mục tiêu nêu trên, nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách được ưu tiên số một tập trung vào việc rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ TMĐT dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ...

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia cũng tiếp tục được thực hiện, như: Nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến; xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến;… nhằm hỗ trợ DN tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường...

Đẩy mạnh ứng dụng Thương Mại Điện Tử

Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng TMĐT đối với các ngành hàng XK chủ lực; xây dựng đề án và hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong một số ngành sản xuất và dịch vụ chính, từ đó nhân rộng các mô hình ứng dụng TMĐT thành công sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Theo Công Thương

#Thuong_Mai_Dien_Tu #Mua_Ban_Hang_Online #Mua_Ban #Ban_Hang_Online #Mua_Hang_Online #MBN #MuaBanNhanh #VIPMuaBanNhanh #LyMuaBanNhanh #TPHCM #VietNam

Thương mại điện tử: Tiền đề quan trọng của nền kinh tế số

Thương mại điện tử: Tiền đề quan trọng của nền kinh tế số

Hải Lý